Trường THPT số 1 Nghĩa Hành 45 năm nhìn lại!

Lượt xem:

Đọc bài viết

Bốn mươi lăm năm – so với lịch sử vẻ vang của Dân tộc chỉ là khoảng thời gian ngắn ngủi, nhưng so với ký ức của một con người thì quả là một chặng đường dài khó quên.

Nhớ lại 45 năm về trước, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, giữa cái khó khăn bộn bề của một vùng quê nghèo qua bao nhiêu năm chiến tranh tàn phá, một ngôi trường bé nhỏ được hình thành – Trường cấp 3 Nguyễn Công Phương.

Từ buổi đầu hình thành, trường chỉ có 4, 5 phòng học, vài trăm học sinh – số giáo viên chỉ tính trên đầu ngón tay, cơ ngơi gần như số không. Rồi giữa cái bề bộn khó khăn thiếu thốn ấy, những thầy cô giáo từ chiến khu mang ba lô xuống, từ miền Bắc XHCN chi viện về hoặc các thầy cô giáo tại chỗ đầy tâm huyết với nghề bắt tay nhau cùng xây dựng mái trường. Cùng với các thầy cô giáo, các thế hệ học sinh sau ngày quê hương giải phóng phấn khởi chào đón những năm tháng hòa bình đầu tiên, chào đón nền giáo dục cách mạng, các em đã vượt lên tất cả những khó khăn thiếu thốn trong buổi đầu ấy để đi lên và chiến thắng.

Quên sao được hình ảnh thầy Trần Đức Thơ – Hiệu trưởng đầu tiên của trường, dù tuổi cao sức yếu lại luôn vật vã với những cơn sốt rét rừng còn đeo đẳng, vẫn bám trường, bám lớp, mà dạy dỗ mà giáo dục – Rồi các thầy Nguyễn Tề, Lê Văn An, Bùi Đạnh với hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn vẫn một lòng một dạ với nghề với học sinh thân yêu. Thêm vào đó với sức trẻ đầy năng động, nhiệt tình tâm huyết với sự nghiệp giáo dục cách mạng của các thầy Nguyễn Oai, Lê Huệ, Phạm Thiện, Trương Văn Thưởng, Tôn Thất Diệu, Lê Tuấn Nam… Cùng nhau chung sức xây dựng nhà trường ngày càng đổi thay.

Năm 1977 – 1978 thực hiện nguyên lý giáo dục của Đảng, theo yêu cầu của tình hình đất nước lúc bấy giờ, trường đã thành lập một phân hiệu “Vừa học, vừa làm” tại Hành Tín. Một bộ phận giáo viên và học sinh của trường được đưa vào thực tiễn để học tập kết hợp với lao động sản xuất.

Những năm tháng ở phân hiệu vừa học vừa làm (về sau là trường THPT vừa học vừa làm) để lại trong tâm khảm của CB, GV, NV và học sinh trường những ký ức khó phai về một thời gian lao mà anh dũng, khó khăn vất vả trăm bề mà ấp tình thầy trò, tình đồng chí, đồng nghiệp. Từ mái trường này đã trở thành trường THPT Số 2 Nghĩa Hành hiện nay.

Cứ thế năm tháng qua đi, mái trường từng bước chuyển mình – đội ngũ giáo viên ngày còn đông đảo – các thế hệ học sinh kế tiếp, lớp sau đông hơn lớp trước. Bốn mươi lăm năm, cùng với những thăng trầm của lịch sử, cùng với sự đổi thay của đất nước, trường cũng từng bước thay đổi và từng bước đi lên lớn mạnh và phát triển. Trong quá trình phát triển ấy, nhà trường đã góp phần tạo nên những lớp người mới có đủ đức, đủ tài để phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước. Nhiều thế hệ học sinh từ mái trường này đã trở thành nhiều tiến sĩ, thạc sĩ, nhạc sĩ, những nhà lãnh đạo Đảng, chính quyền. Những doanh nhân đầy tài năng có mặt ở mọi miền của Tổ Quốc. Tiêu biểu là các tiến sĩ văn học Nguyễn Văn Hiệu, Nguyễn Diên Xướng, tiến sĩ khoa học Nguyễn Khắc Linh, nhạc sĩ nổi tiếng Phạm Đăng Khương và Võ Thanh Tân nhà doanh nghiệp trẻ thành đạt mà tên tuổi cả nước biết đến. Là những sỹ quan trẻ đẩy triển vọng trong ngành công an, quân đội như Trung tá trưởng công an huyện Võ Đức Nguyện, thượng tá phó huyện đội trưởng Trần XiNoa. Trường cũng có những học sinh giỏi nay trở thành giám đốc, phó giám đốc các ban ngành đoàn thể, các bí thư, chủ tịch từ cấp huyện trở lên và hàng loạt những tài năng khoa học, kinh tế khác đang ngày đêm giúp ích cho đời.

Bốn mươi lăm năm khoảng thời gian ngắn ngủi so với lịch sử của dân tộc, nhưng đất nước đã tiến những bước tiến thần kỳ. Cùng với sự phát triển của đất nước, trường cũng có những thay đổi kỳ diệu. Từ mái trường nhỏ bé đơn sơ ngày xưa đã trở thành một cơ ngơi khang trang hiện đại với 43 phòng học, 8 phòng chức năng. Tổng số học sinh trên 1.061, 27 lớp, với 75 SB, GV, NV. Đội ngũ giáo viên giỏi cấp tỉnh, cấp trường ngày một đông đảo, số học sinh giỏi cấp tỉnh mỗi năm một nhiều hơn, chất lượng dạy và học năm sau cao cao hơn năm trước… Sở dĩ có được cơ ngơi như ngày hôm nay bởi nó kế thừa gia tài 45 năm để lại. Sự trưởng thành của nhà trường ngày nay là có phần đóng góp của thế hệ thầy cô giáo và học sinh đi trước. Công sức của các thế hệ đi trước là tài sản quý giá của nhà trường hôm nay.

Vui với thành quả 45 năm hình thành và phát triển, chúng ta những thế hệ đi sau không bao giờ quên công lao đóng góp của những người đi trước, chúng ta kính cẩn nghiêng mình trước vong linh của những thầy đã mất: Trần Đức Thơ, Đinh Trọng Siêu, Nguyễn Ân, Bùi Đạnh, Lê Văn An, …Chúng ta cũng không bao giờ quên tiếng trống ấy vọng mãi trong lòng chúng ta.

Kỷ niệm 45 năm thành lập trường là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống vẻ vang của một mái trường quê hương thân thương và tình nghĩa, nơi hội tụ và tiễn đưa những lớp người đã được rèn luyện để trở thành chủ nhân của xã hội. Kỷ niệm 45 năm thành lập trường của là dịp để các học sinh có điều kiện giao lưu trao đổi những kinh nghiệm quý báo của các thế hệ học sinh đi trước ở trường học và trường đời, giúp các thế hệ sau bước vào cuộc sống tự tin hơn, vững vàng hơn.

Ôn lại truyền thống vẻ vang bốn mươi lăm năm của trường cũng là dịp để nhà trường giáo dục các thế hệ trẻ tin tưởng sâu sắc hơn vào tương lai tươi sáng của mình mà ra sức học tập rèn luyện để trở thành người tốt giúp ích cho đời.

Hãy nhìn lại quá khứ với cái nhìn trân trọng để hướng tới tương lai bằng một niềm tin mãnh liệt!

Thầy Vũ Đình Thụy – Nguyên Hiệu trưởng Trường THPT số 1 Nghĩa Hành./.